Tin thị trường
Cách nào chấm dứt nạn mua bán tài khoản ngân hàng?
92
Chuyện mua bán tài khoản ngân hàng đang có vẻ được quảng cáo công khai ngày càng nhiều trên mạng xã hội. Giải pháp nào để khóa các tài khoản không chính chủ?
Trong bài viết gửi đến Tuổi Trẻ, bạn đọc CHÍ LONG cho hay: "Nhiều người thân quen của tôi trước đây làm công nhân, ai cũng có tài khoản để nhận lương, nay đã chuyển công ty khác hoặc làm nghề tự do. Tài khoản cũ không dùng đến nữa. Và mọi người đang rủ rê nhau bán thông tin tài khoản, đang lúc thắt ngặt khó khăn, thêm được 500.000 đồng hay 1 triệu đồng cứ mừng trước đã.
Nhưng chuyện gì tiếp sau đó thì có thể chưa thấy hậu quả ngay. Theo thông tin từ những vụ lừa đảo bằng cách dụ người khác chuyển tiền vào tài khoản xảy ra khắp nơi gần đây, khi cơ quan chức năng truy đến chủ tài khoản đã nhận tiền mới biết tài khoản ấy đã bán từ lâu. Bán cho ai? Nhiều khi người bán không nhớ, không thể tìm được người mua.
Một người anh họ của tôi lỡ bán cùng lúc ba tài khoản từ nhiều tháng trước. Sau đó, thỉnh thoảng có người gọi đến yêu cầu cung cấp hình ảnh giấy tờ tùy thân (căn cước công dân mới). Họ nói để họ cập nhật thông tin tài khoản.
Không biết đúng sai ra sao, không cung cấp họ dọa báo công an về việc mua bán tài khoản, khi đó anh sẽ bị phạt gấp chục lần số tiền bán tài khoản. Từ đó, anh luôn lo lắng lỡ khi tài khoản được dùng để nhận tiền lừa đảo chẳng hạn thì chủ tài khoản bị liên lụy. Số điện thoại bên mua tài khoản của anh nay không liên lạc được nữa.
Bán tài khoản ngân hàng, rồi sao nữa? Có lẽ đến khi tài khoản của mình đã bán dính vào một vụ án nào đó, người trong cuộc mới thấm khổ. Mấy trăm ngàn đồng không đổi được sự bình yên. Và càng lo hơn khi bây giờ mới hiểu ra chuyện người xa lạ nào đó biết quá nhiều về thông tin riêng của mình.
Tài khoản mở không khó. Cớ gì người ta phải bỏ tiền đi mua tài khoản tên người khác nếu không nhằm mục đích xấu, ngoài vòng pháp luật? Nỗi lo càng lớn khi ngày càng nhiều vụ kẻ gian đi lừa bằng tài khoản người khác được phanh phui.
Xin đừng vì khoản tiền mấy trăm ngàn mà tiếp tay kẻ xấu và hại mình khi chẳng may "dính" vào một vụ lừa nào đó mà tài khoản nhận tiền lừa đảo mang tên mình. Lúc đó biết níu vào đâu khi kẻ xấu ẩn mình cao chạy xa bay?".
Khẩn trương kết nối dữ liệu
Theo ông VŨ NGỌC SƠN - giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS, hiện nay các ngân hàng đều cho mở tài khoản online và xác thực người dùng thông qua các ứng dụng eKYC (định danh điện tử - NV).
Điểm yếu của cách làm này là một số ngân hàng chưa kết nối được hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên không có cơ chế xác minh được thông tin trên căn cước công dân/chứng minh nhân dân là thật hay giả.
Cách này chỉ xác nhận được người đang giao dịch với ảnh trên giấy tờ là một nhưng không xác nhận được thông tin có đúng hay không. Vì vậy có hiện tượng một người có thể dùng giấy tờ giả (ảnh thì đúng nhưng thông tin thì không đúng) để đăng ký tài khoản ngân hàng và vượt qua eKYC bình thường.
Để khắc phục lỗ hổng này, theo ông Sơn, các ngân hàng cần khẩn trương kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo đó, khi xác thực thông tin sẽ đối chiếu với thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó phát hiện các trường hợp giả mạo.
Về phía người dùng, để hạn chế bị kẻ xấu lợi dụng thông tin, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho các cơ sở không uy tín, không bấm vào các đường link lạ nhận được qua email, qua chat. Chỉ cung cấp thông tin tối thiểu phục vụ giao dịch trực tuyến và yêu cầu cơ sở xử lý giao dịch xóa thông tin theo yêu cầu của nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân mới được ban hành.
"Trường hợp cơ sở xử lý giao dịch không đáp ứng yêu cầu về việc xóa thông tin cá nhân, người dân có thể báo cho cơ quan chức năng để tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật", ông Sơn lưu ý.
Dễ dàng giả mạo?
Theo các chuyên gia công nghệ, việc cần làm trước tiên để ngăn chặn lừa đảo cũng như vấn nạn mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng là xác thực thông tin người dùng khi mở tài khoản. Cũng giống như với thông tin thuê bao di động, thông tin người dùng mở tài khoản ngân hàng cũng cần đối chiếu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đảm bảo tính chính xác.
Mấu chốt của vấn nạn mua bán tài khoản ngân hàng nằm ở khâu dễ dàng giả mạo giấy tờ để mở tài khoản. Thủ tục mở tài khoản ngân hàng ngày càng dễ dàng hơn, người dùng chỉ cần số điện thoại, căn cước công dân và một khuôn mặt trùng khớp là có thể mở tài khoản ngân hàng.
Nhưng các ngân hàng lại không thể có cơ sở dữ liệu chuẩn về thông tin cá nhân để đối chiếu khi duyệt mở tài khoản. "Từ đó, kẻ xấu có thể lợi dụng để lấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân của người này, gán ghép khuôn mặt người khác cùng với số điện thoại của họ và đăng ký mở tài khoản. Đây chính là kẽ hở dẫn đến nạn mua bán tài khoản ngân hàng chủ yếu dùng cho các mục đích lừa đảo, bất chính", vị chuyên gia nhận xét.
Dùng công nghệ xác thực căn cước công dân gắn chip
Ngày 8-6 vừa qua, Ngân hàng ACB đã ký kết hợp tác với Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) triển khai giải pháp xác thực căn cước công dân gắn chip mang tên FPT.IDCheck.
FPT.IDCheck cho phép đọc và xác thực dữ liệu căn cước công dân gắn chip và nhận diện khuôn mặt với độ chính xác tuyệt đối 100%, dựa trên công nghệ AI đạt tiêu chuẩn quốc tế. Dữ liệu này cũng được đối chiếu với dữ liệu lưu tại Bộ Công an, ngăn chặn hiệu quả việc giả mạo giấy tờ tùy thân khi giao dịch với ngân hàng.
Hiện nhiều ngân hàng khác như Agribank, HD Bank, Vietcombank... cũng đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để áp dụng vào các giải pháp định danh khách hàng, xác thực chính xác mọi thông tin chính chủ khi khách hàng muốn mở tài khoản ngân hàng.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết các ngân hàng đã đối soát được hơn 26 triệu tài khoản khách hàng qua đối chiếu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nhờ đó đã loại bỏ rất nhiều tài khoản rác, tài khoản đáng ngờ, tài khoản không chính chủ. Ngành ngân hàng cũng đặt mục tiêu trong tháng 6 sẽ hoàn thành việc đối chiếu để làm sạch hơn 51 triệu tài khoản...
Đ.THIỆN
Chia sẻ:
Tin cùng chuyên mục
Bình luận Facebook
Tin nổi bật trong ngày
Không tìm thấy bài viết
Xem nhiều
SẢN PHẨM BÁN CHẠY
Máy in Kim Oki ML-390T Plus
Giá: 10,842,700 đ
Ribbon Oki ML5720/5790
Giá: 471,600 đ
Mực in Oki C833 Yellow Toner
Giá: 5,436,200 đ
HP Color LaserJet Enterprise M855dn Printer (A2W77A)
Giá: 119,790,000 đ
HP Color LaserJet Pro M452dn (CF389A)
Giá: 15,767,440 đ
TIN SẢN PHẨM
NHÀ CUNG CẤP UY TÍN
Công ty TNHH KDATA
Tầng 5, 408 Điện Biên Phủ, Phường 11, Quận 10, Hồ Chí Minh
Công Ty TNHH TM-DV-Kỹ Thuật Ngọc Vạn
145/9 Bạch Vân, Phường 5, Quận 5, Hồ Chí Minh
CÔNG TY TNHH MÁY VĂN PHÒNG THẮNG AN
Đường Tỉnh 835, số 8, Ấp Lộc Tiền, Xã Mỹ Lộc, Huyện Cần Giuộc, Long An
Công ty TNHH TM-DV Viễn Thông Thành Phố
920/18 Quang Trung, Phường 8, Quận Gò Vấp, Hồ Chí Minh
Công ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Công Nghệ Vạn Phúc
1331/3/1E Lê Đức Thọ, Phường 13, Quận Gò Vấp, Hồ Chí Minh
Công ty TNHH TM-DV Mai Huy Phúc
106/19 Nguyễn Văn Cừ, Phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, Hồ Chí Minh
Tin thị trường